10 bước chăm sóc da hàng ngày theo kinh nghiệm của Tuấn

chăm sóc da hàng ngày

Nếu quen Tuấn ở ngoài, bạn sẽ không lạ gì việc trong cặp laptop đi làm của mình luôn có mỹ phẩm. Mặc dù là đàn ông, nhưng mình rất quan tâm và chú trọng về vấn đề chăm sóc da hàng ngày. Một phần vì tính chất công việc thường xuyên gặp gỡ khách hàng và cũng vì đam mê với lĩnh vực làm đẹp. Trong bài viết này Tuấn ghi lại quy trình 10 bước chăm sóc da theo kinh nghiệm của Tuấn dành cho các chị em muốn cải thiện làn da nhưng chưa có thời gian tìm hiểu nhé. Mình đã áp dụng gần full quy trình này một cách đều đặn và kết quả khá khả quan. 

Bước 1 – Tẩy trang bằng dầu tẩy trang

Tẩy trang là bước đầu tiên trong chu trình chăm sóc da hàng ngày. Mặc dù là bước quan trọng đầu tiên, nhưng nhiều người vẫn thường xuyên bỏ qua bước làm sạch này. Nói chuyện với nhiều chị em mới biết đa số mọi người thường rửa mặt luôn và cho rằng sửa rửa mặt cũng “đủ” làm sạch da rồi. Bởi, cả ngày ngồi làm việc trong văn phòng, không đi ra ngoài đường nên mặt không bị bẩn.

Chỉ khi nào mặt trang điểm thì mới cần dùng đến tẩy trang. Đây là một suy nghĩ khá tai hại. Sự thật là sữa rửa mặt chỉ có tác dụng rửa sạch những bụi bẩn “to” và lớp dầu nhờn bề mặt ngoài của lan da. Còn các bụi bẩn li ti bám vào trong lỗ chân lông, hay các sợi bã nhờn thì sữa rửa mặt trở nên vô tác dụng. Việc rửa mặt không sạch đã vội vàng thực hiện các bước dưỡng da tiếp theo là nguyên nhân chính khiến da bị mụn ẩn nhiều hơn.

Tẩy trang đúng cách để da luôn được làm sạch

Tẩy trang lúc này sẽ có công dụng làm sạch sâu lớp bụi bẩn, dầu bã nhờn sau một ngày dài trên khuôn mặt của bạn. Về cơ bản có 3 dạng tẩy trang bạn có thể sử dụng: dạng dầu, dạng nước, dạng sáp. Hầu hết tất cả các loại da đều có thể sử dụng dầu tẩy trang, ngay cả da dầu. Dầu tẩy trang sẽ giúp phá vỡ tất cả tàn tích gốc dầu còn sót lại trên da, chẳng hạn như lớp trang điểm, kem chống nắng, bã nhờn, hay bụi khói và các chất ô nhiễm khác.

Dầu tẩy trang hoạt động với cơ chế “dầu hòa tan dầu”. Chỉ cần dùng 1 lượng dầu tẩy trang vừa đủ, massage lên bàn tay và thoa nhẹ nhàng lên bề mặt da và bạn đã có thể đánh bay được bụi bẩn và tạp chất mà không cần chà mạnh bằng bông tẩy trang như khi dùng nước tẩy trang.

Tuy nhiên, lưu ý khi dùng dầu tẩy trang là bạn bắt buộc phải trải qua bước “nhũ hóa dầu”. Nguyên nhân 1 số bạn da dầu cho rằng dùng dầu tẩy trang bị mụn là bạn không thực hiện bước nhũ hóa cẩn thận. Dầu tẩy trang chỉ dùng khi bề mặt da không bị ướt và khô ráo, nhũ hóa dần bằng ít nước để dầu tan dần ra. Tuyệt đối không rửa bằng nước luôn như khi dùng sửa rửa mặt. Nhũ hóa nhiều lần để đảm bảo không còn dầu thừa trên mặt. Lúc này, mới đảm bảo được bạn đã xong lớp làm sạch thứ nhất.

Bước 2 – Rửa mặt bằng sữa rửa mặt

Nếu đam mê chăm sóc da hàng ngày kiểu Hàn, thì bạn sẽ nghe đến cách chăm sóc “doulbe cleansing” – 2 bước làm sạch. Lý do làm sạch 2 bước là vì sữa rửa mặt sẽ giúp bạn loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và dầu thừa còn sót lại ở bước tẩy trang thứ nhất. Nếu chẳng may lớp dầu thừa còn sót lại trên da thì hệ lụy chắc chắn là bạn sẽ bị lên mụn ẩn. Vì thế bước làm sạch với sữa rửa mặt sẽ giúp bạn kết thúc quy trình làm sạch tối ưu chuẩn Hàn. Phân loại sữa rửa mặt vô cùng đa dạng để bạn có thể lựa chọn phù hợp với làn da của mình.

Rửa mặt đúng cách làn da luôn được sạch sẽ

Sữa rửa mặt dạng kem (Cream Cleanser/ Cleansing Cream)

Sữa rửa mặt dạng kem có thành phần dầu nhưng đã pha trộn với nước. Chất liệu kem đặc thường được bổ sung thêm nhiều dưỡng chất dành cho da khô và da lão hóa. Cleansing cream được khuyến khích cho những cô nàng có làn da khô. Tuy nhiên, đối với da dầu mụn nên cân nhắc khi dùng sữa rửa mặt dạng kem.

Sữa rửa mặt dạng tạo bọt (Cleansing Milk/Foaming)

Đây có thể gọi là loại “sữa rửa mặt quốc dân” được bày bán khá nhiều trên thị trường. Loại này dễ dàng tạo lớp bọt mịn khi bạn đánh lên với nước. Nhờ có các siêu hạt li ti dễ dàng thẩm thấu vào sâu bên trong lỗ chân lông, cuốn trôi bụi bẩn, loại bỏ nhanh chóng bã nhờn và dầu thừa còn sót lại sau bước tẩy trang.

Do đó, ưu điểm của sữa mặt tạo bọt là khả năng làm sạch sâu cực hiệu quả. Các bạn sở hữu làn da dầu và mụn thì Tuấn khuyên là nên sử dụng sữa rửa mặt dạng này. Còn với các bạn da khô thì hãy cân nhắc cẩn thận, vì sản phẩm dạng bọt có tình kiềm dầu nên sau khi rửa mặt sẽ thấy da bị căng và rát nhẹ. Lúc này bạn nên sử dụng thêm nước hoa hồng để cân bằng độ pH trên da và se khít lỗ chân lông

Sữa rửa mặt dạng Gel (Cleansing Gel/ Jelly Foam)

Sữa rửa mặt dạng Gel có thành phần gốc nước cao nhất, không chứa nhiều dầu. Vì thế, sản phẩm này phù hợp với các bạn có làn da nhạy cảm, da dễ bị mất nước, da khô. Sản phẩm dạng gel dịu nhẹ sẽ không khiến làn da bị căng rát sau khi rửa mặt. Cũng chính vì vậy, khả năng rửa sạch của sản phẩm dạng Gel không được đánh giá cao. Bạn chỉ nên sử dụng sữa rửa mặt dạng gel sau khi đã thực hiện bước tấy trang để da được làm sạch sâu hơn.

Sữa rửa mặt dạng hạt (Scrub)

Dạng hạt là sữa rửa mặt trong thành phần chứa thêm các hạt nhỏ (scrub) li ti giúp tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, làm sạch lỗ chân lông và thổi bay những chất bã nhờn bám dai dẳng trên bề mặt da. Những dòng sản phẩm sữa rửa mặt dạng hạt thường chứa khá nhiều thành phần dưỡng ẩm, phù hợp với da khô, da dầu và lỗ chân lông tô. Tuy vậy, bạn chỉ nên sử dụng sản phẩm dạng hạt 1-2 lần/tuần vì chúng có khả năng gây bào mòn da nếu sử dụng hàng ngày. Đặc biệt, với các bạn da nhạy cảm dễ kích ứng thì nên tránh xa và không sử dụng sửa rửa mặt dạng hạt.

Bước 3 – Tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần

Tẩy tế bào chết là một bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da hàng ngày. Nó có vai trò vô cùng quan trọng nhưng nhiều người vẫn mắc phải sai lầm khi bỏ qua hoặc thực hiện không đúng cách. Quy trình tái tạo da tự nhiên của làn da bình thường là 28-30 ngày. Tức là tế bào ở lớp đáy sẽ dần được đẩy lên trên bề mặt da và hóa sừng. Lớp sừng này mặc dù có tác dụng tạo ra lớp màng bảo vệ da, nhưng đồng thời sẽ cản trở sự thẩm thấu của các dưỡng chất từ mỹ phẩm đi vào da. Đây là lý do tại sao nhiều chị em thắc mắc với Tuấn rằng ngày nào cũng chăm chỉ dưỡng da những không thấy có hiệu quả gì.

Tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần

Thông thường, tế bào chết sẽ tự bong tróc nhưng vì 1 vài nguyên nhân từ môi trường ngoài (thời tiết, nắng nóng, khói bụi ô nhiễm…) mà tế bào chết trên da không thể bong tróc theo cách tự nhiên. Tích tụ trong thời gian dài, số tế bào chết này sẽ gây bí tắc lỗ chân lông, khiến da sần sùi, dễ gây mụn và hình thành thâm nám. Vì thế, tẩy tế bào chết là rất quan trọng và cần thiết.

Bạn có thể dùng phương pháp tẩy tế bào chết cơ học (như đường tẩy tế bào chết, dạng muối dầu) hoặc tẩy tế bào chết hoá học (sử dụng các thành phần như lactic hoặc salicylic để hoà tan “lớp keo” gắn các tế bào chết với các tế bào khoẻ mạnh). Và nên nhớ chỉ tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần thôi nhé. Sử dụng với tần suất liên tục sẽ khiến làn da bị bào mòn và trở nên dễ kích ứng, mẫn cảm.

Bước 4 – Toner (Nước hoa hồng)

Bạn biết không, một chai toner thậm chí còn thay được serum dưỡng da đắt tiền nếu bạn biết dùng đúng cách. Toner là 1 loại mỹ phẩm chăm sóc da hàng ngày với công dụng chính là tẩy sạch các bụi bẩn còn sót lại trên da sau bước rửa mặt, giúp làm thông thoáng và se khít lỗ chân lông, cân bằng độ pH trên da, sẵn sàng cho bước dưỡng da tiếp theo.

Toner giúp cân bằng pH cho da

Việc sử dụng toner sẽ giúp da của bạn dễ dàng hấp thu các dưỡng chất từ kem dưỡng một cách tốt hơn. Bởi khi da được làm sạch, các dưỡng chất có thể thẩm thấu vào sâu bên trong để nuôi dưỡng da. Lựa chọn toner phù hợp với làn da để phát huy tối đa công dụng của toner. Tuấn rất ưa thích dùng loại toner chứa cồn để giúp làn da được sát khuẩn và kháng viêm hiệu quả hơn. Việc này hỗ trợ điều trị các vấn đề mụn/nám được tốt hơn. Với các bạn da nhạy cảm hay da khô thì có thể lựa chọn toner không chứa cồn. Sản phẩm này chỉ chứa các vitamin và khoáng chất giúp làm sạch thông thường, sẽ không gây kích ứng.

Tuấn luôn sử dụng toner 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Chỉ cần đổ một lượng nhỏ vào miếng bông tẩy trang, lau nhẹ nhàng đều  khắp khuôn mặt để dưỡng chất từ toner làm sạch toàn bộ bề mặt da. Vào mùa hè, mình thường chiết toner sang lọ xịt mini, cất trong tủ mát, mỗi lần dùng xịt mát lạnh, cảm giác sung sướng không thể tả. Nàng nào da mỏng, dễ bị kích ứng thì hãy thử áp dụng cách này nhé. Vừa tránh chà xát nhiều trên da mặt, lại được thư giãn sảng khoái, da đủ ẩm và kiểm soát được lượng toner cần sử dụng mỗi lần.

Bước 5 – Essence (dưỡng chất)

Sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới Essence trong chu trình chăm sóc da hàng ngày. Nguồn gốc ra đời của Essence là ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc. Nhiều người lầm tưởng Essence với Serum là có công dụng tương tự nhau. Nhưng thực chất không phải vậy. Essence nhẹ hơn và lỏng hơn serum, được khuyên dùng trước bước Serum để tăng cường hiệu quả thẩm thấu các dưỡng chất. Essence cũng khác hòa toàn với toner bởi thành phần có chứa nhiều dưỡng chất cấp ẩm tức thì, thấm nhanh vào da.

Essence khác với Serum bạn nhé

Chúng ta vẫn thường quen gọi Essence là “nước thần” – đảm nhiệm vai trò như một chất bán dẫn trong quy trình dưỡng da. Vì lỏng hơn serum và cực giàu ẩm, nên essence thẩm thấu cực nhanh, nhiều lúc bạn sẽ có cảm giác như da được “ngậm nước” tức thì. Hoạt động này được gọi là Hydrat hóa làn da. Do vậy, với các nàng gặp vấn đề da khô, da bị mất nước, thì bước apply essence được ví như phao cứu sinh làn da cấp tốc. 

Tương tự như toner, bạn có thể dùng bông tẩy trang để thoa đều essence. Hoặc với Tuấn thì dùng phương pháp “vỗ 7 lần”. Dùng lòng tay vỗ nhẹ nhàng lên da, thực hiện 7 lần để làn da được cấp nước tối đa, sẵn sàng cho bước đặc trị và dưỡng ẩm tiếp theo. 

Bước 6 – Ampoule/Serum/Booster

Linh hồn của quy trình chăm sóc da hàng ngày của Tuấn nằm ở bước thứ 6 này. Nhiều bạn cho rằng dưỡng da quan trọng nhất là kem dưỡng ẩm, vì nó có thể đáp ứng đầy đủ các vấn đề của làn da. Suy nghĩ này hết sức sai lầm và thiếu sót. Cấu tạo của làn da gồm 3 lớp: thượng bì (bề mặt da bên ngoài), trung bì (lớp ở giữa) và hạ bì (lớp da dưới cùng). Cơ chế hoạt động của kem dưỡng chỉ có tác dụng ở lớp thường bì. Chỉ có serum/ampoule mới thấm thấu xuống dưới tận lớp hạ bì để  nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong. 

Serum ưa thích của Tuấn là Seacret Balancing Facial Serum với công dụng cung cấp ẩm tối đa vào tầng hạ bì của da. Vì da Tuấn dễ bị mất nước do đổ nhiều dầu. Các bạn có làn da khô hoặc da bị mất nước thì có thể tham khảo sản phẩm này. 

Bước 7- Sheet mask (mặt nạ) 2 lần/tuần

Sự ra đời của mặt nạ giấy (sheet mask) được ví như “cuộc cách mạng” trong ngành làm đẹp. Thay vì phải vất vả với đống đồ trộn chia tỷ lệ lỉnh kỉnh, thì giờ bạn chỉ cần xé 1 gói mask là đã có ngay mặt nạ dưỡng da nhanh gọn. Các loại mặt nạ giấy hiện nay đều được ngâm sẵn trong dung lịch có chứa dưỡng chất. Tùy vào tình trạng da và tác dụng mong muốn đạt được,  bạn có thể chọn cho mình mẫu  mặt nạ phù hợp chỉ mới mức gia dao động từ 10k – 150k/miếng mặt nạ.

Ngoài mặt nạ giấy, thì mặt nạ còn có rất nhiều loại: mặt nạ ngủ, mặt nạ sủi bọt, mặt nạ đất sét (bùn), mặt nạ nam châm, mặt nạ gel. Tuấn thường dùng xen kẽ mặt nạ bùn và mặt nạ nam châm 2-3 lần/tuần. Mặt nạ bùn phù hợp với làn da dầu hoặc da mụn, đặc biệt là vào mùa hè. Sản phẩm này sẽ giúp tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, làm sạch sâu và thoáng lỗ chân lông, hút dầu thừa trên da rất tốt, nhưng các bạn tránh dùng nhiều sẽ khiến da mặt bị hút dầu nhiều quá lại tăng tiết dầu hơn. Mặt nạ nam châm thì phù hợp cho da khô và da nhăn, giúp bạn đánh bay nếp nhăn trên khuôn mặt một cách thần kỳ cùng với việc để lại một lớp dưỡng khiến da bạn mềm mịn hơn.

Bước 8 – Eye cream (kem dưỡng mắt)

Phần lớn, các chị em chúng ta thường bỏ qua việc chăm sóc vùng da mắt trong các bước dưỡng da mà chị em thực hiện. Vùng da quanh mắt là vùng da mỏng manh và nhạy cảm nhất trên khuôn mặt. Đây là nơi thể hiện rõ nhất dấu hiệu tuổi tác. Kem dưỡng vùng mắt có đặc tính nhẹ nhàng và không gây kích ứng da, với các thành phần có lợi, giúp tránh xa quầng thâm, bọng mắt và vết chân chim. Đôi mắt được ví như cửa sổ tâm hồn, nên là bạn đừng để quầng thâm, bọng mắt xuất hiện trên khuôn mặt nhé.

Kem dưỡng mắt bổ sung dưỡng chất vùng da mắt

Bạn có thể chọn sản phẩm dưỡng cho vùng mắt dạng cream hoặc serum. Nếu có điều kiện sắm thêm thanh lăn massage mắt để phát huy tối đa hiệu quả của các sản phẩm dưỡng chuyên sâu. Sản phẩm kem mắt yêu thích của Tuấn là Seacret Age Defying Regain Eye Cream. Mình thường dùng dưỡng mắt vào buổi tối 30 phút trước khi đi ngủ để vừa cho đôi mắt nghỉ ngơi và thư giãn sau một ngày dài làm việc mệt mỏi

Bước 9 – Moisturizer (kem dưỡng ẩm)

Mặc dù serum chứa rất nhiều thành phần dưỡng ẩm chuyên sâu, nhưng bạn đừng đánh đồng serum và kem dưỡng ẩm. Serum không chứa chất tạo màng ngăn nên không thể khóa ẩm, độ ẩm cung cấp vào da mặt sẽ nhanh chóng bị bay hơi. Chính vì thế chúng ta cần thoa kem dưỡng ẩm để tạo một lớp màng bảo vệ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bước này thường hay gọi là KHÓA ẨM

Mách nhỏ: vào mùa hè bạn nên chọn loại kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng và nhẹ, sẽ giữ cho da được ngậm nước mà không cảm thấy nặng da hay nhờn rít. Mùa đông thời tiết thường khô hanh, da mất nước thiếu ẩm dễ dàng bị khô nứt nẻ. Lúc này, hãy chọn loại kem dưỡng có kết cấu đặc hơn, với các dưỡng chất giúp phục hồi và cải thiện để da luôn được bổ sung nước cần thiết.

Ít nhất 1 lần/tuần bạn nên sử dụng mặt nạ ngủ thay thế cho bước kem dưỡng để làn da không bị “bội thực”. Mặt nạ ngủ với công dụng là lớp màng cấp nước, cấp ẩm tối đa cho làn da trong suốt một đêm dài,nên bạn đừng lo là da bị thiếu nước nếu không dùng kem dưỡng nhé.

Bước 10 – Sunscreen (kem chống nắng)

Nếu dưỡng ẩm là bước quan trọng nhất trong quy trình chăm sóc da ban đêm thì kem chống nắng là bước quan trọng nhất trong quy trình chăm sóc da ban ngày. Bạn đừng nghĩ cứ ra ngoài mới cần bôi kem chống nắng. Kể cả ở trong nhà thì da mặt của bạn cũng chịu ảnh hưởng từ các bức xạ trên màn hình máy tính, điện thoại, đèn… Kem chống nắng không có tác dụng giúp bạn tránh bị đen da. Công dụng của kem chống nắng là ngăn cản sự tiếp xúc giữa các tia bức xạ UV với làn da tránh làm da bị bỏng nắng, đỏ rát và dễ bị nám tàn nhang nữa. Loại kem chống nắng tốt cho da mặt nên có đầy đủ 2 chỉ số SPF từ 30~50 và PA ++/PA+++. Sản phẩm kem chống nắng Tuấn hay dùng là BB Cream, 1 sản phẩm 4 trong 1 của Seacret với tác dụng chống nắng, dưỡng da, kem nền và che khuyết điểm. Mức độ SPF là 15 vẫn giúp chống nắng nhưng không quá dầy như SPF 50, bạn có thể bôi lại kem chống nắng sau 3 tiếng hoặc ít nhất 2 lần/ngày.

Vậy là kết thúc chu trình 10 bước chăm sóc da hàng ngày rồi. Tuy nhiều công đoạn thực hiện những bước nào cũng quan trọng, bạn không nên bỏ qua. Hãy cứ kiên trì thực hiện mỗi ngày, đảm bảo sau 30 ngày bạn sẽ thấy làn da thay đổi đáng kể đấy nhé. 

Trả lời

0904144431